Trang Nhà Lịch Trình Tu Học Lá Thư Tu Học Kinh Hình ảnh sinh hoạt Đóng góp Trang bạn Các nhà xuất bản

Đóng góp trong Lá Thư Tu Học tháng 9, 2006 của tăng thân Thuyền Từ vùng Hoa Thịnh Đốn

Nhạc:

Bản nhạc dưới đây do quý sư cô của tu viện Thanh Sơn trao truyền lại cho tăng thân Thuyền Từ.

Anh em ta từ bốn phương trời
Chị em ta từ khắp năm châu
Không phân biệt màu da tôn giáo
Cùng về đây xây đắp yêu thương
Hiểu và thương, hiểu và thương
Có hiểu mới có thương
Hiểu càng sâu, thương càng rộng
Hiểu càng rộng, thương càng sâu
Hiểu sâu, thương lớn
Hiểu và thương, hiểu và thương


Gió mưa hòa nhạc

Lá cành theo gió nhẹ
Uyển chuyển khúc nghê thường
Mưa rơi từng âm hưởng
Cỏ cây lắng lòng nghe

Mưa là những cung đàn
Cho gió khẩy tình tang
Cho ngày mỗi tươi mát
Rửa sạch bụi trần gian

Hoàng-Tâm
Claymont Court 9-2-06

Thiền hành sớm mai

Cỏ xanh từng ngọn đọng sương mai
Nắng chiếu lung linh suốt hình hài
Tăng thân thiền hành từng bước nhẹ
Ôm cả đất trời, tâm mãn khai.

Hoàng-Tâm
Claymont Court 9-3-06

----- separator -----

Những ghi lại về khoá tu

Đêm đầu tiên ở khoá tu, tôi được nghe tiếng mưa lách tách ru vào giấc ngủ. Tôi chỉ nằm yên để thở và nghe tiếng mưa thôi. Lâu lắm rồi tôi không có dịp nghỉ ngơi an lành và chỉ nằm nghe tiếng mưa rơi như vậy. Giấc ngủ ban đêm thường là để chuẩn bị cho một ngày bận rộn sẽ đến. Những hơi thở chánh niệm trong ngày như một cái phao giúp đầu tôi nổi trên mặt nước, tạm thời không bị nhận chìm hoàn toàn. Tôi đến khoá tu và biết là mình sẽ tìm được một cái phao đưa mình vào bờ an lạc. Tôi thấy mình rất may mắn còn có được cái phao ấy trong đời sống, vì ai lại chẳng có những loay hoay nhưng mấy ai có dịp được gác bỏ tất cả để có vài ngày trở về như vậy.

Buổi sáng thiền hành trong mưa, tôi ngắm nhìn mưa phùn thấm dần vào cây cỏ vạn vật. Những hạt mưa bé tí không đủ làm trĩu ngọn cỏ nhưng từ từ cũng làm ướt sũng không gian, xanh mướt những chiếc lá, nâu đậm những cành cây. Tôi nhớ chị Chân Ý có lần nói việc tu tập thấm dần vào mình như người mặc chiếc áo đi trong sương, chiếc áo ướt lúc nào không hay. Thật vậy, sau một thời gian được thực tập trong pháp môn này với tăng thân, tôi thấy mình cũng biết nhìn tất cả sự việc một cách khác hơn xưa. Thí dụ bình thường tôi thưòng nói “sông có khúc, người có lúc” để an ủi những mong manh yếu kém của mình. Bây giờ thì tôi hiểu là vì những hạt giống tiêu cực nào đó trong tàng thức bị tưới tẩm nên chúng biểu hiện ra sự mong manh như vậy. Năng lượng chánh niệm sẽ giúp tôi có định lực nhìn thấy được những tâm hành này và những điều kiện đã tưới tẩm các hạt giống đó để sẽ biết cách chăm sóc và biết tránh các điều kiện tưới tẩm chúng.

Lần này khoá tu vắng vài cô bác và anh chị trong tăng thân mà chưa bao giờ vắng mặt trước kia. Thoạt nghe thì tôi cũng như nhiều người khác thoáng thất vọng, nhưng qua kinh nghiệm những lần trước, tôi biết năng lượng chung của tăng thân, dù có thiếu vài vị, cũng sẽ rất hùng hậu và sẽ giúp được mọi người rất nhiều. Và quả như thế, khoá tu đã đem lại rất nhiều an lạc và hạnh phúc cho mọi người, và giúp được nhiều người nhìn ra được những khổ đau của mình. Những giọt nước mắt trong những buổi pháp đàm là những cơn mưa pháp nuôi lớn tăng thân. Tuy chưa có những lối thoát hoặc những giải pháp cụ thể cho từng người, nhưng ai cũng nhìn ra được điều gì đó trong mình. Như chị Chân Ý nói, chúng ta nên đặt những hạt khổ đau của mình xuống đất, để chúng được ôm ấp và chuyển hóa một cách từ từ và tự nhiên qua sự thực tập chánh niệm. Anh Chân Trí ví sự thực tập chánh niệm như một cái nồi “slow cooker” đang làm việc cho mình ngày đêm, để một ngày nào đó cơm sẽ chín.

Trước khi vào khoá tu, tôi có nói chuyện với một người chị trong tăng thân rằng càng ngày tôi càng thấy mình mong manh hơn xưa, tại sao sự tu tập lại đem đến kết quả như vậy? Trong khoá tu, lúc nghe bài pháp thoại của anh Chân Trí, tôi chợt hiểu ra một điều về mình. Trước kia tôi luôn luôn giải quyết các vấn đề bằng cách cắt đứt các quan hệ mà tôi nghĩ đã đưa đến khổ đau, hoặc thay đổi hoàn cảnh sống. Tôi thường nghĩ là mình đang tập không vướng mắc và biết buông bỏ. Kết quả của những cắt bỏ này là biết bao vết thương trong tâm thức của mình và những người thân yêu của mình. Trong khi đó thì những gốc rễ của vấn đề trong tâm thức mình hay những nỗi khổ của mình vẫn chưa được nhìn đến. Bỏ đi hay ở lại đều làm tôi cảm thấy mong manh. Cảm thấy mong manh vì ở lại để đối diện với vấn đề là do cái sợ tạo nên. Cảm thấy mong manh vì cắt bỏ ra đi có thể do sự thiếu vắng một cái gì mà mình quen làm, cần làm hay muốn làm. Cái quen làm này là điều từ trước đến giờ tôi không nhìn ra.

Anh Chân Trí nói đến việc khoa học hiện đại khám phá ra rằng những cảm xúc tiêu cực hay tích cực trong người chúng ta tạo ra những chất hóa học lưu chuyển trong cơ thể và thấm vào các tế bào qua những thụ quan (receptors). Nếu các cảm xúc này xẩy ra thường xuyên thì các thụ quan sẽ có khuynh hướng thường trực chờ đợi các cảm xúc ấy. Đây là một giải thích tại sao chúng ta có khuynh hướng vướng mắc vào những cảm xúc, hay khó có thể từ bỏ một thói quen mà chúng ta biết là không tốt. Phản ứng hay cắt bỏ của tôi chắc đã thỏa mãn được một nhu cầu nào đó trong tôi mà tôi cần phải nhận diện. Do sự thúc đẩy của thói quen muốn bỏ đi, lúc nào tôi cũng thấy mình không yên trong đời sống. Ngay cả sau khi đã dẹp bỏ những gì bên ngoài mà tôi nghĩ đã tạo cảm xúc tiêu cực rồi, thì các thụ quan (receptors) cũng vẫn làm công việc chờ đợi và làm tôi cảm thấy mong manh không an ổn.

Bằng sự thực tập chánh niệm, gần đây tôi đã biết để yên mọi thứ, rồi sau đó nhìn thẳng vào cảm thọ của mình. Vì nhìn chưa sâu đủ, và sự sợ hãi xâm nhập khiến tôi sợ hơn, tưởng là sự tu tập làm mình mong manh hơn. Quyết định không làm những điều dở mà mình quen làm thì cũng giống như cai thuốc. Một người cai thuốc chắc chắn phải trải qua một thời gian rất mong manh. Nếu vượt qua được thì sẽ trở thành một người khoẻ mạnh và lành lặn. Như một tri kỷ của tôi, anh chị Chân Trí Chân Ý đã trao cho tôi chữ “Xả” trong pháp danh của tôi. Bây giờ tôi cần tập hạnh “Xả”, tôi cần ý thức được lúc nào nên bỏ những cái chấp theo nguyên tắc, theo những kỳ vọng và những quy luật với chính mình và chung quanh, để giảm đi những sự bất mãn bực mình trong đời sống hàng ngày, để không cảm thấy cần phải cắt đứt chặt bỏ đi những gì không như ý. Và với hạnh “Xả”, cho dù sự bất an có đến, tôi cũng sẽ đối diện với những gì đang tưới tẩm những hạt giống mong manh trong mình một cách từ bi và hiểu biết hơn, để thấy mình lớn hơn chúng. Tôi sẽ không còn sợ và tránh né chúng nữa, vì chỉ có như vậy mới hóa giải chuyển hoá được chúng.

Sau mỗi khoá tu tôi như được làm mới lại chính mình. Xin cảm ơn trí tuệ và năng lượng của tăng thân và mái nhà ấm cúng này.

Nguyên Hằng Xả
Tháng 9, 2006

----- separator -----

Quà cho em tôi

Trong những bài pháp thoại ở MPCF, chị Chân Ý thỉnh thoảng ví tâm mình như con vượn thích chạy nhảy từ cành cây này đến nhánh cây kia. Trên đường tu vấn đề lớn nhất vẫn là làm sao giữ cho tâm mình đừng đi rong ruổi, và những lúc nó đi khá xa thì biết cách gọi tâm về. Lúc mới đến với tăng thân Thuyền Từ, thân và tâm tôi động lắm, chúng như những cơn gió trong một ngày mưa bão. Tôi làm điều gì cũng nhanh, mạnh, trong óc tôi có hằng hà sa số câu hỏi, vấn đề, câu chuyện để tôi hỏi, tôi than phiền, tôi nói. Tôi hoàn toàn không có ý thức hơi thở của mình ngắn hay dài, sâu hay chậm. Tôi cũng ít để ý đến tầm quan trọng của hơi thở đã và đang duy trì sự sống cho tôi trong bao nhiêu năm nay như thế nào. Hồi tưởng lại những ngày ấy và nhìn lại sự chuyển hóa trong tôi bây giờ, tôi thương và biết ơn các anh chi giáo thọ và tăng thân thật nhiều.

Tôi nhiều lúc vụng về, nhưng tôi có may mắn do phước đức tổ tiên để lại nên được tu tập trong chiếc nôi Thuyền Từ. Dần dà theo thời gian, bình yên tỏa ra từ sự hành trì miên mật hơi thở có ý thức để làm lớn lên năng lượng chánh niệm của các bạn đồng tu đã nhiễm đến tôi. Tôi biết trụ vào hơi thở, giữ tâm khá yên để ngắm nhìn các hạt giống nằm sâu trong tàng thức, để xem chúng điều khiển cách mình làm, mình nói, mình nghĩ như thế nào. Nhờ vậy mà tôi chuyển hóa được một số tập khí, không để mình chìm quá sâu vào những vũng lầy thất niệm, và có khả năng xa dần những chốn có thể gieo rắc khổ đau. Thời gian vừa qua, trải qua nhiều mệt nhọc đi tìm việc mới, những thời ngồi thiền, những buổi kinh hành là những sinh hoạt mang lại sự an lạc cần thiết cho tôi. Qua đó tôi nhận ra là mặc dù bây giờ tôi đã là mẹ, có hai màu tóc nhưng tôi vẫn chưa hiểu được là vì lý do nào mà người em gái duy nhất của tôi phải sinh ra trong kiếp người tật nguyền. Lúc còn bé, tôi xót xa khi em phải bò lê la và cả đời em cũng không bao giờ được vui chơi chạy nhảy như các trẻ em khác. Đó cũng là một vết thương sâu chung của bố mẹ và anh em trai tôi. Khi tôi lên bảy, mẹ tôi than buồn vì có người bảo là tại gia đình mình nghiệp dày, phúc đức mỏng nên em tôi phải sanh ra là người tàn tật để trả nợ thay. Đầu óc lúc ấy vẫn còn non nớt nên lời nói này là mũi tên thứ hai bắn đúng vào vết thương kia, niềm đau trong tôi lớn lên gấp trăm lần. Tâm hành mong manh của bé gái bảy tuổi bị dồn nén, nằm sâu kín trong tâm khảm của tôi. Tôi đã lớn lên với nhiều câu hỏi tại sao và tôi thích gần gũi các vị tu hành đạo Phật. Tôi thích tu hành để hiểu cội nguồn và thoát ra nỗi khổ của kiếp người.

Bước đầu của đường tu khi đến với tăng thân Thuyền Từ là sự thực tập dừng lại và nuôi dưỡng định lực. Tôi thực tập ngắm nhìn, lắng nghe và bỏ bớt thói quen phán xét, suy diễn. Trong khóa tu này, khi được nằm yên ổn trong nôi từ bi của tăng thân, tôi đã cho em bé ấy khóc, em bé ấy thở. Năng lượng ngồi yên lắng nghe với hạnh Bồ Tát Quán Thế Âm của tăng thân đã giúp xoa dịu nỗi đau đớn của em bé này rất nhiều. Biết tôi đang đau khổ , và cái khổ của tôi cần được thông thiểu, chị Chân Ý chia sẻ một bài pháp thoại làm quà khai mở tuệ giác cho em bé bảy tuổi trong tôi. Chị giảng về nghiệp quả, và về lớp mạt na nằm giữa tàng thức và ý thức. Chị cho tôi biết những gì mình tiếp xúc qua sáu căn, những cái mình thấy bằng mắt (nhãn), nghe bằng tai (nhĩ), ngửi được bằng mũi (tỉ), nếm được bằng lưỡi (thiệt), va chạm qua da (thân) rất dễ bị lớp mặt na này phiên dịch một cách lệch lạc. Do đó ý thức mất đi khả năng nhận diện sự việc một cách vô tư, ”như thị”. Chị khuyên tất cả chúng tôi nên thực tập hạnh khiêm tốn trước khi đi đến một nhận định. Chị thông báo về tin mừng của sự thực tập chánh niệm chuyên cần trong yên tịnh. Chị nói hạt giống chánh niệm có khả năng lau chùi, làm trong sáng lớp mạt na này, và chị nhấn mạnh chuyện nuôi dưỡng tâm yên tịnh và làm lớn mạnh chánh niệm là chuyện thiết yếu trong việc hiểu và chuyển nghiệp.

Ngày cuối của khóa tu anh Chân Trí cho biết là sẽ có lễ sinh nhật mừng Sư Ông tám mươi tuổi vào tháng mười một này. Sư Ông ngỏ ý muốn quà của mỗi học trò tặng thầy sẽ là một nguyện làm một chuyện gì đó trong chánh niệm. Sư Ông cũng hiểu học trò mình rõ lắm, nên thầy muốn chúng tôi lập một nguyện vừa với sức mình thôi vì Sư Ông muốn học trò mình sẽ làm chuyện đó suốt đời. Hơn nửa đời tôi đã sống nhanh như mũi tên bay và tôi hết còn muốn sống như vậy nữa. Tôi vén khéo thời khóa biểu của mỗi ngày để không rơi vào tình trạng lúc nào cũng phải trong thế vội vàng, hấp tấp. Khi rời khóa tu này, tôi thấy mỗi ngày là một cơ hội cho tôi tu tập. Tôi và cháu Vi Hà thường xuyên đi bơi chung với nhau, tôi ngủ ngon hơn và ít bị mệt mỏi vì thiếu dưỡng khí (oxygen). Bơi lội cũng là dịp tôi tập trung tâm ý vào hơi thở, là dịp gần cận với nước, một phần trong tứ đại của mình. Ở nhà những lúc làm công chuyện nhà, rửa chén, dọn dẹp, lau chùi, bớt nghĩ ngợi mông lung, tôi thực tập làm việc nhà với hơi thở chánh niệm. Tôi có nhiều hạnh phúc khi gởi tâm ý vào chiếc chén mình đang rửa. Tôi thực tập rửa một chiếc chén như tắm một vị Bụt như lời Sư Ông dạy. Tôi thấy hạt giống an lành trong tôi được nuôi dưỡng và thời gian nấu ăn được dùng là những cơ hội gởi gấm tình thương. Khi lau chùi nhà cần nhiều sức lực, tôi luyện hơi thở sâu, đều đặn. Việc nhà không còn là việc làm nhàm chán như trước, tiềm ẩm trong đó là năng lượng chuyển hóa khi chúng đuợc làm trong chánh niệm và yên tịnh. Tuy rời khóa tu được hơn hai tuần, tôi đã có nhiều buổi sáng tập thể dục với những động tác và hơi thở nối liền thân tâm. Ban đêm, tôi thực tập gìn giữ hơi thở nhẹ nhàng, yên tịnh để thân tâm được buông xả trước khi đi vào giấc ngủ. Tôi thấy tăng thân vẫn có mặt với tôi như những ngày trong khóa tu. Cảm giác yên bình được sống với và sống như con của Như Lai có mặt thường xuyên hơn. Ở sở mỗi mười lăm phút là tiếng chuông trong máy nhắc nhở tôi quay về với hơi thở, cho đôi mắt cơ hội ngắm nhìn thiên nhiên vận chuyển qua những khung cửa sổ rộng lớn. Tôi tránh dùng cầu thang máy từ khi khám phá căn phòng dành riêng cho cầu thang thường vắng vẻ ít người đi lên đi xuống, đó là nơi thật tốt để thực tập bước những bước chân chánh niệm. Tôi thực tập đi những bước chân chánh niệm này để làm quà cho em tôi, chị em tôi cùng tu với tăng thân Thuyền Từ để giúp nhau chuyển nghiệp.

Tâm Khai Ngộ
Tháng 9, 2006


Trang Nhà Lịch Trình Tu Học Lá Thư Tu Học Kinh Hình ảnh sinh hoạt Đóng góp Trang bạn Các nhà xuất bản



Mọi ý kiến và đóng góp xin điện thư về webmaster@crpcv.org
Trình bày và thực hiện bởi tăng thân Thuyền Từ vùng Washington DC