Đóng góp trong Lá Thư Tu Học tháng 12, 2007 của tăng thân Thuyền Từ vùng Hoa Thịnh Đốn
Tiểu tường của Mẹ
Mẹ như trái chín muồi
Đã vào lòng đất ấm
Còn để lại tiếng cười
Dòn tan như pháo xuân
Mẹ đưa con vào đời
Với bao lời khuyên nhủ
Bầu ca dao tục ngữ
Mẹ rót chẳng hề vơi ..
Mẹ đan thêu may vá
Mẹ dè xẻn chắt chiu
Để nuôi con một tá
Bao gian khổ sớm chiều
Mẹ dạy con thương người
Cũng như mình thương thân
Để phước đức lại đời
Đừng ăn ở bất nhân.
Hôm nay ngày tiểu tường
Cúng Mẹ thắp nén hương
Cúi đầu xin lạy tạ
Dâng Mẹ lời nhớ thương.
Hoàng-Tâm
Gaithersburg, MD
11/04/2007
Hai bài nhạc thiền
Cám ơn Minh Trí viết nhạc thiền
Điệu hát lời ca thật hồn nhiên
Càng nghe càng thấy lòng thanh thoát
Thấy Bụt trong tâm, hết muộn phiền.
Hoàng-Tâm
(Nhân nghe hai bài nhạc thiền
Ngày quán niệm 11-03-2007)
Gia Đình Tâm Linh
Anh Chân Trí, vị giáo thọ của tăng thân Thuyền Từ khuyến khích tôi thực tập "viết nhật ký, viết cho Bụt đọc" . Để giúp sự thực tập này, tôi thích ngắm và học hỏi khá nhiều qua cách các anh chị giáo thọ ngồi, đi đứng, làm việc khi qua bên chơi nhà anh chị. Tôi quan sát cách hai anh chị nói chuyện riêng với nhau, ngôn ngữ anh chị dùng, nét mặt của anh chị khi nghe nhất là khi nghe tôi cãi lại J. Với anh Chân Minh Tuệ, mỗi lần tôi gởi bài cho báo Thuyền Từ, tôi để ý rất kỹ về một vài chữ, một vài nhóm câu (phrases) mà anh sửa. Tôi trụ vào thở để xem coi mình có học thêm được điều gì mới không. Thông thường anh soi sáng bằng cách sắp xếp bài viết lại một chút, bỏ đi, thêm vô một vài chữ. Qua cách anh lựa bài của Sư Ông đăng mỗi tháng tôi thấy mình tháng này nên để ý thêm về cuộc sống của mình, chung quanh mình như thế nào. Cứ làm như thế nên tôi thấy mình có nhiều không gian và thời gian để viết và cùng một lúc mình tôi lại thấy là mình đang viết chung với tăng thân. Nhờ viết chung nên tôi có nhiều hạnh phúc. Tôi cảm được mối dây liên lạc với mọi người và thấy đó là cách hay nhất để ôm ấp hạt giống cô đơn trong mình. Có " qua rồi cầu hiểu " tâm tư của riêng mình thì mới " tới cầu thương " những người thương bên cạnh và các anh chị giáo thọ và bạn bè trong tăng thân. Tôi bây giờ thoải mái và an lòng trong việc ra khơi chung với chiếc Thuyền Từ này. Tôi may mắn đã không phải đi biển một mình hay đi hai mình như trong câu ca dao:
Đàn ông đi biển có đôi,
Đàn bà 'đi biển' mồ côi một mình
"Học thầy không tầy học bạn ", anh Tâm Lạc Hiền đã gợi ý cho tôi viết chữ "NO" dán trước máy vi tính trong sở để tự nhắc mình về cái tính "cả nể" của mình. Hè năm 2006 anh giúp vợ chồng tôi khá nhiều trong khoảng thời gian tôi đi kiếm việc làm sau sáu năm làm ở nhà. Anh chịu khó nghe những điều bất an, giải thích cho tôi thấy phần nào của câu chuyện là những diễn biến có thật (facts), phần nào là do cảm giác tạo nên. Những lần sau đó, chỉ cần anh nhắc "Thôi (chị Thủy) không có đặt chuyện ra nữa nhé " là tôi biết ý, không nói tiếp. Nhờ anh thường đến ngồi thiền tối thứ Năm, nghe pháp thoại, tham dự pháp đàm trong các ngày quán niệm và các khóa tu tiếng Anh và tiếng Việt, nên những trao đổi giữa anh và tôi tuy ngắn gọn nhưng súc tích. Bây giờ anh hay hỏi "Chị có yên không? " là tự nhiên tôi hiểu mình cần làm chuyện gì. Anh ít tham gia bàn tán vòng vo những tin tức nóng hổi của xã hội, cộng đồng. Anh xem kỹ coi anh cảm nhận (perceive) về những dữ kiện này như thế nào, và anh đã biết được điều gì mới về chính con người của anh qua những cảm nhận này. Hôm tôi nằm mơ thấy người em trai bị mất tích của mình, tôi gọi muốn anh giúp giải mộng. Tuy qua điện thoại, anh cũng mời tôi dừng lại thở ba hơi trước rồi mới đặt câu hỏi để tôi nói về những cảm xúc của mình. Sau hai ba phút lắng nghe, anh khuyên tôi đi thiền hành ngay, không suy diễn thêm gì nữa. Tôi đã làm y như vậy, và đã bớt buồn nhờ chỉ có đi và thở trong không gian rộng lớn của thiên nhiên. Có lần tôi hỏi ý kiến anh vì thấy mình muốn gọi điện thoại rủ một người bạn gái đi ăn trưa nhưng lúc đó tôi đang có lời nguyện giữ tâm ý của mình cho yên. Tôi bị dằn co và gọi cầu cứu. Anh ngắn gọn nhắc tôi đó là biểu hiện của tâm hành cô đơn và nói tôi đi ra ngoài thở vài ba phút trước rồi sau đó nếu vẫn còn muốn đi thì cứ đi. Chỉ cần một cuộc đối thoại như vậy là ý "muốn đi" đã vơi hết phân nửa. Lúc đi dạo một mình trong công viên gần sở, tôi thầm mời người bạn gái đó về đi chung. Trong mấy tháng nay tôi nảy ra ý kiến đi dạo như vậy với nhiều người bạn gái thân khác đã không có đủ duyên đi tu học chung. Thỉnh thoảng tôi viết một lá điện thơ chung cho các bạn đó và có mời họ đọc lá thư tu học của Thuyền Từ. Một số bạn hiểu và thông cảm với cuộc sống của tôi hiện giờ. Trong những buổi tối thứ Năm, anh khuyên tôi "sit with that event, with those feelings, embrace them, don't chase them away, don't run away from them; they can teach us many lessons" ("cứ ôm ấp những vấn đề gây nên cảm giác khó chịu bất an, đừng có chạy trốn chúng, mình có thể học rất nhiều về mình từ chúng") . Ban đầu thì tôi không hiểu gì hết. Lý do chính là vì tôi đã không quay về với hơi thở lâu đủ để tạo cơ hội cho những tâm hành này xuất đầu lộ diện. Bây giờ tôi thực tập thiền đều đặn chung với tăng thân, tự làm được những điều này nên tôi hiểu hơn những gì anh và những anh chị em khác chia sẻ.
Tăng thân chúng tôi cứ như vậy nương vào nhau mà làm theo lời chị Chân Ý hướng dẫn "experience deeply what is there" (sống sâu sắc với những gì đang xảy ra quanh mình) . Trong tăng thân tu học MPCF và Thuyền Từ có nhiều người bạn như vậy lắm. Họ mang đến thiền đường ánh nến lung linh, bình hoa tươi mát, cho tôi tiếng hát, nụ cười, tiếng đàn, câu hò, bài thơ, lời ngâm thơ, giọng ca cải lương, ly trà thơm, công thức làm thức ăn, ly chè, tô bún riêu chay và sự an tịnh trong khi ngồi thiền, tụng kinh. Những vị trưởng lão trong Thuyền Từ thì cho chúng tôi kinh nghiệm của chính cuộc đời họ. Bác Tuấn, bác Luân và cô Dung luôn có những câu chuyện rất hay, ý nhị, sâu sắc để kể trong khi chị Ánh thì thường cho mọi người lòng từ bi qua nụ cười hàm tiếu và niềm thương xót ngay cả đối với những con côn trùng nhỏ xíu ngoài đường. Lần đi chơi ở công viên River Bend mùa thu, sau một lúc ca hát, trò chuyện, chị đề nghị "Thôi mình không hát, không nói nữa, hãy ngồi xem dòng nước chảy ngoài kia nghen ", tôi đặt tay mình lên vai chị, gật đầu đồng ý. Chị đặt tay chị lên tay tôi, xoa nhẹ, mỉm cười. Hai chị em cùng với cô Cúc, chị Liên ngồi yên nhìn bọt nước to trắng đục trôi trên giòng sông.
Gia đình Thuyền Từ có nhiều cách để nhắc nhở nhau, biểu lộ tình cảm tặng nhau như vậy lắm. Cô Cúc thì chỉ cần cô kể về chuyện lái xe lạc đường là tôi vui rồi. Cô có giọng Nam Kỳ hiền lành, và thực tập chuyên cần câu hát "Ai nói gì thì mình cũng nghe, Nghe sâu hiểu thấu thương nhiều ". Trong khóa tu Lộc Uyển, có bữa tôi về nói với cô là "cháu buồn ngủ quá, cần đi ngủ ngay bây giờ, cô nhớ kêu cháu dậy nghen." Thiếp đi được một lúc, mở mắt dậy, tôi thấy cô đang ngồi thiền trên chiếc nệm để ngay trên đất, vai lưng thẳng tắp, mặt cô quay vào tường, đối diện với cái bàn nhỏ với nhiều thứ lỉnh kỉnh trên đó. Dáng ngồi yên, hơi thở đều nhẹ của cô mang đến cho tôi một sự yên ổn của một đứa bé mới ngủ dậy, mở mắt thấy bóng mẹ mình quanh quẩn trong phòng. Tôi nằm yên, thở chung với cô. Cô Oanh ít chia sẻ nhưng khi cô không đi dự được khóa tu là tôi thấy thiếu thiếu. Mấy ngày sống chung phòng với cô ở Lộc Uyển, cô vô tình chỉ cho tôi khá nhiều về nghệ thuật làm mẹ và làm vợ. Mỗi lần đi thiền hành ngoài trời, tôi cám ơn cô Hoàng Tâm đã tả được những cảnh đẹp mà tôi đang thấy trong những bài thơ do cô sáng tác. Bác Luân, bà Ngoại của Bảo Tích và chị Thanh gởi gấm tình thương qua những món ăn, những lần nắm tay, ôm ấp thân gần. Bác Luân và bác Tuấn thì ai cũng được hai bác chụp hình cho. Hai bác không có dựa trên thước đo nào để lựa người, chọn cảnh mà vẫn bén nhạy trong việc nhận ra vẻ đẹp, nét đặc biệt của mỗi người, mỗi cảnh. Một đêm tôi nói "Đường mình đi tuy vắng nhưng vẫn có người đi cùng ", chị Chân Ý gỡ nốt khúc rối này qua câu trả lời "Nếu mình nhìn bằng cặp mắt trần thì chỉ thấy hai ba mươi người trong tăng thân nhưng thật ra có vô số lượng Bụt và vô số lượng Bồ Tát đang đi với mình ". Có một nhóm bạn tu chung như vậy nên tôi vui, mong đến ngày gặp lại nhau. Niềm vui này không có nhộn nhịp, sôi nổi hay náo động làm mệt thân thể, tim óc mà nó là niềm vui nhẹ nhàng, thanh thản, sâu sắc.
Trong cuốn Bông Hồng Cài Áo, Sư Ông viết "Thượng Đế là đấng tự sinh " không có được diễm phúc hưởng món quà mẹ. Đọc chuyện này xong, tôi không hề có ý muốn làm Thượng Đế. Có làm người tôi mới có dịp chứng nghiệm khổ đau, có đủ duyên tu, được tu chung với tăng thân, và có tăng nhãn rọi đường: vui và an toàn.