Trang Nhà Lịch Trình Tu Học Lá Thư Tu Học Kinh Hình ảnh sinh hoạt Đóng góp Trang bạn Các nhà xuất bản

Đóng góp trong Lá Thư Tu Học tháng 9, 2006 của tăng thân Thuyền Từ vùng Hoa Thịnh Đốn



Bài viết tựa đề “Tình Thương Của Mẹ” dưới đây viết bởi một bé gái khi em mười lăm (15) tuổi sau nhiều năm được mẹ dạy tiếng Việt tại nhà. Gia đình em hiện đang thực tập thường xuyên với tăng thân Thuyền Từ. Tuy em bây giờ đã ngoài hai mươi và đang làm việc tại California, nhưng em thường cố gắng thu xếp để tham dự với gia đình em các khóa tu tập chánh niệm của tăng thân Thuyền Từ.

Tình Thương Của Mẹ

** Thương kính tặng Mẹ **

Thầy Nhất Hạnh đã từng viết: “ Con trẻ thiếu tình thương (của người mẹ) thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương cũng không lớn lên được.” Sau khi đọc xong đoản văn “Bông Hồng Cài Áo” tôi vẫn nhớ câu này nhất vì tôi rất đồng ý với thầy.

Tôi thử tưởng tượng xem cuộc đời mà không có tình thương của mẹ, tôi sẽ ra sao? Tôi nghĩ tôi cũng không thể nào lớn khôn được. Từ ngày tôi bắt đầu nhớ được, nhớ mẹ tôi hay chơi với tôi hay dạy tôi, lúc nào cũng nựng nịu tôi rằng: “Mẹ thương con nhất trên đời con biết không?” hoặc, “Con là hòn ngọc cưng của mẹ.”

Vì suốt mười mấy năm được sống trong tình thương trọn vẹn của mẹ tôi, tôi đã cảm thấy hết sức an toàn. Không những vì vậy thôi, mà vì mẹ tôi còn làm rất nhiều thứ khác cho tôi nữa. Tất cả đã cho tôi cảm thấy được tình thương của mẹ tôi lớn đến mức nào.

Suốt cả đời tôi, mẹ tôi đã lo cho tôi từng li từng tí. Mẹ bỏ tất cả thì giờ để chỉ dẫn tôi về chuyện học hành, chuyện gia đình, chia xẻ chuyện bạn bè của tôi, nói về quan niệm sống cũng như tôn giáo, như là Phật giáo. Và tất cả những gì mẹ tôi đã dạy tôi, mẹ tôi cũng ráng sống đúng theo lời nói để làm gương cho tôi. Vì vậy mẹ tôi cũng là người tôi kính trọng và nể nhất.

Cũng như nhiều người mẹ khác, mẹ tôi đã hết sức làm những chuyện như là chăm sóc lo lắng miếng ăn giấc ngủ, dạy dỗ chỉ dẫn và làm gương cho tôi, để tôi không gặp phải những lỗi lầm để có thể có một cuộc đời sung sướng, vui vẻ, và hạnh phúc. Có khi tôi cảm thấy là mẹ tôi đã hy sinh rất nhiều thứ trong đời mình để lo cho tương lai của tôi. Tôi biết mẹ tôi đã làm mấy chuyện này vì tình thương chứ không vì gì khác. Chắc chắn là không có gì so sánh được với tình thương của người mẹ. Người mẹ nào không thương con mình. Người mẹ nào cũng có rất nhiều hy vọng cho tương lai con mình nên mới hy sinh đời mình để lo cho tương lai con cái được tốt đẹp.

Tuy bây giờ tôi mười lăm tuổi, tôi đã nhận được điều này từ lâu rồi, và lúc nào cũng ráng nghe lời mẹ, làm những việc tốt lành cho mẹ được hài lòng. Hôm nay tôi viết bài này vì có mấy mục đích. Một là cho mẹ tôi thấy mấy năm trời kèm tiếng Việt cho tôi, bây giờ tôi đã tự viết được bài này cho mẹ. Hai là để mẹ tôi thấy tôi đã cảm nhận được tình thương của mẹ. Ba là để cho các bà mẹ khác biết là con cái của họ cũng nhìn được những điều này. Và sau cùng, là để tôi thay mặt cho tất cả những ngưòi con thương mẹ mà nói: “Mẹ, con thương mẹ nhất trên đời.”

Minesota, 1998

----- separator -----

Bài “Viết Cho Cháu” dưới đây là đóng góp của anh Quảng Văn, viết cho một bé gái, tuy đang làm việc tại California, đã bay về tham dự với ba mẹ và em trai của em khóa tu mùa Xuân của tăng thân Thuyền Từ tháng 4, 2006 vừa qua.

Viết Cho Cháu

Cháu thân mến,

Chú muốn ghi lại ở đây những lời chú đã chia sẻ với cháu trong khoá tu. Có một vài điều có lẽ chú đã quên không nói nên ở đây chú sẽ thêm vào cho đủ ý.

Trong thời ngồi thiền vào buổi sáng sớm hôm nay, trong đầu chú thỉnh thoảng có một vài ý nghĩ thoáng qua, đến rồi đi. Nhưng có một ý nghĩ đã ở lại với chú khá lâu và khá rõ. Ý nghĩ này thực ra là một tiếp nối của những gì chú đã chia sẻ với tăng thân vào tối hôm trước, nhưng đây là những chia sẻ dành riêng cho cháu. Chú đã thở rất nhiều với những ý nghĩ này trong suốt ngày còn lại để bây giờ mới có đủ ý tứ mà chia sẻ với cháu.

Cháu đến với tăng thân Thuyền Từ như vậy là gần một năm rồi, tính từ lúc cháu tham dự chuyến đi chơi ở Yosemite với tăng thân hồi năm ngoái. Và kỳ này là lần thứ hai cháu về thăm và tham dự khoá tu với tăng thân. Cháu là một thành viên mới và trẻ tuổi nhất của tăng thân người lớn, nhưng cháu cũng là người ở xa nhất. Ngày đầu gặp lại, chú có hơi xót xa khi nhận thấy sự mệt mỏi hiện rõ nét trên mặt cháu. Thế mà qua ngày hôm sau đã thấy cháu tươi vui hẳn ra. Đúng là về đây mình có cơ hội được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng trong tình thương của tăng thân, năng lượng trong con người của mình có được bồi bổ tươi mát hơn. Tự dưng chú nghĩ đến chuyện sau khoá tu cháu về lại Cali, ở một mình, xa tăng thân ít nhất là sáu tháng nữa, không biết cháu sẽ ra sao, trong lòng không khỏi gợi lên một nỗi xót thương. Chú biết cháu đang đi qua một giai đoạn có nhiều đổi thay trong đời sống, chắc cũng không tránh được những lúc khá mệt mỏi và nhiều phiền não. Chú ở đây gần gủi với tăng thân hơn, ít nhất cũng một tháng một lần được tắm gội trong dòng sông của tăng thân, còn cháu thì lại ở quá xa.

Tối hôm qua chú đã chia sẻ với tăng thân về thực tập “dừng lại” của chú, bây giờ chú muốn chia sẻ thêm một chút với cháu. Những lúc như thế này cháu hãy sắp xếp lại đời sống để dành cho mình có thêm nhiều không gian và thời gian hơn. Khi về lại bên Cali cháu hãy thu xếp để ngồi lại cho yên, xong rồi kiểm điểm lại trong đời sống hiện tại của mình có những việc gì mình đang làm thật sự là cần thiết và ích lợi cho mình. Có nhiều việc mà nhiều khi nếu mình có dịp xem xét kỹ lại thì thấy thật không cần thiết mấy. Với những việc như vậy thì mình hãy thu xếp để ngừng lại, đừng làm nữa, để dành thời giờ nghỉ ngơi cho mình. Ở đây chú xin chia sẻ vài ví dụ của bản thân để cháu thử so sánh với đời sống của cháu. Ngày trước chú là người thích theo dõi tin tức thời sự, ham đọc sách báo để tìm tòi học hỏi thêm, mở mang kiến thức. Ngày nào chú cũng đọc báo, xem TV, đặc biệt là những chương trình có tính cách thời sự hoặc liên quan đến những khám phá mới. Chú rất thích đọc sách, sách tiểu thuyết, sách nghiên cứu, sách thiền, v..v... Chú cũng là một trong những người thích hoạt động cộng đồng, hay tham gia vào các việc tổ chức văn hoá, xã hội và tôn giáo. Dạo gần về sau này chú hay làm những chuyện “phụng sự đạo pháp” như tổ chức nghinh đón Xá Lợi Phật, đi theo làm thông dịch viên cho các thầy Tây Tạng, tổ chức và đi nghe các thầy thuyết giảng đạo pháp. Chú nghĩ là mình có một đời sống có nhiều ý nghĩa và niềm vui, tuy đời sống tương đối khá bận rộn. Khi đến thực tập với tăng thân, chú bắt đầu nhận ra được sự bận rộn của mình. Nhờ sự giúp đở của tăng thân chú bắt đầu biết thực tập dừng lại để nghỉ ngơi. Lúc này chú bắt đầu bớt đọc báo, đọc sách, xem TV, ngay cả sử dụng email hay vào internet. Các việc làm xã hội chú cũng ngưng bớt lại. Chú nhận ra rằng thực sự có nhiều chuyện ngày trước mình hay thường làm, làm thường đến nỗi chúng trở thành tập quán hay thói quen cho mình hồi nào không biết, đến nỗi mình tự cho mình có “bổn phận” phải làm những việc như vậy. Trong khi đó trong tâm mình đang có rất nhiều khổ đau mà mình chưa đụng đến nó được, chưa giúp chúng chuyển hoá được. Sự bận rộn của mình hoá ra là một cách mình trốn tránh những khổ đau đã chất chứa khá lâu trong lòng và mình không có cách để đối trị với chúng. Bên cạnh đó cái ngã của mình luôn luôn tô vẽ thêm cho những việc làm của mình, nào là rất chính đáng, nào là có lợi ích cho mọi người, v..v... để mình càng ngày càng lún sâu vào chúng mà quên đi những khổ đau rất lớn trong thân và tâm.

Chú nhận ra một khi mình đã có đủ không gian và thời gian cho mình rồi thì đó mới là lúc mình có thể bắt đầu tập thở, tập ngồi yên, và tập ôm ấp những niềm đau nỗi khổ của chính mình. Mình lúc ấy mới bắt đầu có khả năng nuôi dưỡng năng lượng chánh niệm. Khi mình ngồi yên được thì mình có thể nhìn ngắm những tâm hành hay những tiến trình tâm ý của chính mình mà bớt bị cuốn hút vào đó. Cháu sẽ thấy mình biết lắng nghe chính mình, hiểu mình hơn, nhận ra những điều mình chưa biết hoặc đã quên bẵng mất về chính mình. Khi ấy cháu sẽ bắt đầu nhận diện được niềm đau nỗi khổ đích thực trong thân và tâm của mình. Cháu sẽ nhận ra là mình đang bị những tâm hành “chạy quanh” của mình sai sử mình cả ngày. Lúc ấy cháu sẽ lần lần thấm thía được sự dừng lại của chính mình. Năng lượng chánh niệm trong cháu sẽ mạnh dần lên để giúp cháu ôm ấp được những niềm đau nỗi khổ. Một ngày nào đó khi những niềm đau nỗi khổ đã được ôm ấp đủ thì trong lòng cháu sẽ phát ra một niềm xót thương lớn, cháu cảm thấy thương xót cho chính mình. Đó là lúc mà cô Anh Hương thường hay nói là năng lượng từ bi đang ứa ra từ trái tim. Đó là lúc sự chuyển hoá xảy ra, những tì vết bấy lâu trong thân và tâm bây giờ có cơ hội để lành lặn trở lại. Trong lòng mình một niềm hạnh phúc chân thật xuất hiện và mình cảm nhận được sự an lạc thật nhẹ nhàng đang toả ra trong tâm hồn. Lúc ấy cháu sẽ tự dưng cảm nhận được đời sống tươi mát chân thật đang diễn ra trước mắt của mình trong từng giây phút. Cháu thấy được bầu trời xanh, nghe được tiếng chim hót, cảm nhận được cái đẹp, cái tươi mát của một đoá hoa mới nở. Mình cảm thấy thời gian như chậm lại để mình thật sự tận hưởng được những cái đẹp đang ở bên cạnh mình. Rồi tự nhiên cháu nhận ra được người thương đang ở bên cạnh mình. Trong lòng một nỗi niềm biết ơn bắt đầu gợi lên. Rồi mình lần lần nhận ra thêm những người thương khác nữa, có nhiều người tuy không ở bên cạnh mình, nhưng không lúc nào niềm yêu thương trong họ dành cho mình ngưng nghỉ. Mình bỗng nhận ra là mình đang tắm gội trong một biển tình thương mà bấy lâu mình quên bẵng đi. Bây giờ trong lòng cháu không còn gì ngoài một nỗi niềm biết ơn ngập tràn, những giọt nước mắt của lòng biết ơn và hạnh phúc bắt đầu tuôn ra, không ngừng lại được. Cái sự thật về những gì cháu kiếm tìm bấy lâu bỗng hiện ra thật rõ ràng và đơn giản, những câu hỏi, thắc mắc chất chứa bấy lâu bỗng nhiên được trả lời, giải quyết thật gọn gàng. Trong lòng cháu không còn gì vướng bận nữa, chỉ có một dòng sống tươi mát đang trôi chảy thật nhẹ nhàng và mình đang có mặt trong đó từng giây phút.

Chú biết đây là một thực tập tuy đơn giản nhưng rất khó, đòi hỏi nhiều nghị lực và công phu lắm. Chú cũng đang thực tập những điều này nên chú thấy rõ. Những lúc niềm đau nỗi khổ của mình dấy lên, để có năng lượng để ngồi yên và ôm ấp chúng, mà không bắt đầu tìm một việc gì đó để làm cho qua, không phải là một điều dễ nhận ra và dễ làm được. Thói quen hay tập quán tâm ý của mình mạnh lắm, không dễ gì mình nhận ra được, và thường là mình hay làm những việc mà rốt cuộc không giúp gì hơn cho sự chuyển hoá tâm hồn mình. Rồi mình nhận ra là mình đang loay hoay, chạy vòng quanh nỗi khổ của chính mình. Đây là lúc mình cần nương tựa vào tăng thân, hay đúng hơn là năng lượng tình thương của tăng thân. Cháu biết không, điều đầu tiên để mình có thể tiếp nhận được tình thương này là nhận thức rằng tăng thân hiểu thấu được niềm đau nỗi khổ của mình. Mình phải biết mở lòng mình ra để đón nhận tình thương của tăng thân. Cháu nhìn chung quanh cháu đi, ở đây các cô các chú các bác của cháu ai cũng có những niềm đau nỗi khổ rất lớn, và nhờ vậy ai cũng rất hiểu và rất thương cho cháu. Cháu không bao giờ cô đơn cả, cháu có biết không? You may be alone, but you’re never lonely! Actually, you’re never alone! Những lúc nào buồn quá, cháu hãy nghĩ đến tăng thân, nghĩ đến những người đang ngồi chung quanh cháu bây giờ đây, các cô, các chú và các bác của cháu, rất thương cháu. Nếu cần thì gọi điện thoại về cho mẹ, không cần nói gì nhiều, chỉ cần nghe tiếng của mẹ thôi, trong giọng nói của mẹ cháu có năng lượng của tăng thân ở đó. Nếu cần hơn nữa thì gọi về cho cô Anh Hương, hay bất kỳ một cô hay chú bác nào, chắc chắn cháu sẽ nhận được năng lượng tình thương này rất rõ ràng. Tình thương này sẽ giúp cháu vượt qua được những cơn sóng trong lòng hay những lúc u tối của tâm hồn. Dần dần cháu sẽ tự mình làm được, tự mình ôm ấp được, tự mình chuyển hoá được niềm đau nỗi khổ, và tự mình cảm nhận được niềm hạnh phúc chân thật.

Sáng nay, sau thời ngồi thiền, mở mắt ra nhận thấy cháu đang ngồi bên cạnh từ hồi nào, chú biết đây là những điều tăng thân muốn chia sẻ với cháu. Chú mong cháu cảm nhận được tình thương này của tăng thân, để khi về lại một mình bên Cali cháu vẫn giữ được sự ấm áp này trong lòng. Mong cháu luôn có nhiều vững chãi và niềm vui trong sự thực tập.

Chú Phong
tháng 8, 2006

Trang Nhà Lịch Trình Tu Học Lá Thư Tu Học Kinh Hình ảnh sinh hoạt Đóng góp Trang bạn Các nhà xuất bản




Mọi ý kiến và đóng góp xin điện thư về webmaster@crpcv.org
Trình bày và thực hiện bởi tăng thân Thuyền Từ vùng Washington DC