Trang Nhà Lịch Trình Tu Học Lá Thư Tu Học Kinh Nhạc Thiền

Hình ảnh sinh hoạt Đóng góp Trang bạn Các nhà xuất bản

Đóng góp trong Lá Thư Tu Học tháng 10, 2008 của tăng thân Thuyền Từ vùng Hoa Thịnh Đốn



Dưới đây là những đóng góp của các chị trong tăng thân Thuyền Từ sau khóa tu mùa Thu 2008 tại Claymont Court, WV cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua.

Tấm gương soi mình

Khoá tu đã đi qua nhanh quá. Bây giờ tôi đã lại đang ngồi ở bàn làm việc trong một không gian khác hẳn mấy ngày qua, hồi tưởng lại như là mình mới thức giấc sau một cơn mơ.

Tiếng gà gáy còn vang bên tai. Hình ảnh những con gà con vịt mập mạp khoẻ mạnh chạy tung tăng khắp bãi cỏ bao la không bị hàng rào nào cản lại và những luống rau xanh tốt trong những bờ rào thô sơ, vẫn còn vấn vương trong đầu tôi. Những hình ảnh ấy đã thật sự làm tôi cảm động. Trong những bữa ăn ở khoá tu, và chắc là sẽ tiếp tục theo tôi, tôi ý thức rõ ràng hơn cái câu “Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời, của muôn loài và công phu lao tác”. Miệng nhai và mắt nhìn thấy những gì mình đang ăn đến trực tiếp từ ngoài vườn kia, tôi thấy một cảm giác thật ấm áp lành mạnh vì thấy được cái tương tức của muôn loài và thấy lòng thương ứa ra thật nhiều. Ăn miếng trứng trong miệng, tôi thấy thương và biết ơn những con gà ấy thực sự, chỉ muốn chạy ra ôm nó vào lòng. Bỗng tôi cũng chạnh lòng xót xa và càng thương khi nghĩ đến những con gà công nghiệp bị nhốt trong chuồng để nhồi nhét cho ăn uống những thực phẩm bào chế trộn hoá chất, và chân chúng chưa bao giờ được chạm đất chạm cỏ, y hệt như những vật vô cảm xúc. Tôi thầm nguyện sẽ cố đem cái ý thức này vào những khi đi chợ nấu ăn để bớt góp thêm tay mình vào những nghiệp ấy.

Nói đến Nghiệp, những bài giảng của anh Chân Hỷ Đức, anh Chân Trí, chị Chân Ý và những chia sẻ của các cô các bác các anh chị em trong tăng thân cũng giúp tôi nhìn sâu vào mọi thứ để thấy bóng dáng của Nghiệp hơn trước. Trước khi đi khoá tu thì cuộc sống thường ngày của tôi cũng bình thường, không sóng to gió mạnh, con cái sinh hoạt bình thường, quan hệ vợ chồng cũng không có vấn đề gì. Tôi cho rằng mình đã qua cơn hoạn nạn, chỉ cần tiếp tục tu tập để những đợt sóng càng ngày càng nhỏ đi trong đời sống gia đình mình, và tin rằng con đường đi đã khá suông sẻ. Nhưng chỉ sau ngày đầu của khoá tu là tôi đã bắt đầu thấy quá nhiều niềm đau khổ im lìm đang được vùi sâu che lấp trong mình và trong những người thương của mình. Chúng chỉ chực bùng lên như những sôi sục âm ỉ của một cái núi lửa đang trên đà sắp nổ tung ra mà tôi không biết cách nào chống đỡ được.

Tôi nhận ra cái yếu kém của mình rằng tôi đã lại quên đi cái nhìn vô tướng, nhìn sâu được vào quá khứ, để mà hiểu và thương những người chung quanh mình hơn. Tôi cũng không đủ chánh niệm để tạo cảm giác an toàn đến cho những người thương của mình để những gì rất thật bên trong họ, những cái khổ của họ được ùa ra mà không sợ sự phê phán và đổ vỡ. Tôi cũng nhìn thấy bản thân mình không có đủ hạnh phúc và tình thương để mang lại niềm tin cho những người thương của mình, nên có người đã bắt đầu trên con đường “một mình một ngựa” như chị Chân Ý nói, không muốn cùng đi chung đường với nhau.

Những bài học trong khoá tu đã tạo nên tấm gương soi cho tôi thấy được mình và tình trạng của gia đình mình rõ hơn. Tôi không nhớ rõ trong bài nói chuyện của anh chị nào có nói câu "nhìn những người thương vui vẻ hạnh phúc thì thấy được kết quả tu tập của mình". Thật đúng là thước đo cho sự tu tập của mình! Nếu những người thương chưa hạnh phúc mặc dù mình đi tu tập làm đủ mọi thứ như được hướng dẫn, điều này chứng tỏ là sự tu tập của mình chưa sâu lắm và có thể chỉ là máy móc. Tôi muốn ghi lại đây những cảm nghĩ này để tự nhắc nhở mình những gì tôi cần làm để tiếp tục đi được đúng trên con đường đi đến chân hạnh phúc này.

Nguyên Hằng Xả
(9/2/08)



Lá thơ cho người mình thương


Buổi chiểu thứ Bảy trong khóa tu chị Chân Ý đã xin phép tăng thân được cắt ngắn thời gian của buổi lễ thiền trà để cho năm cặp vợ chồng có mặt kỳ này làm một bài tập mà anh chị Chân Hỷ Đức/Chân Hỷ Hạnh, và anh chị Chân Minh Giới/Chân Minh Tuệ đã và đang làm trong những tháng gần đây.  Chị Chân Ý đã thu xếp nhờ Jane và Garret trông nom các cháu nhỏ và các cô bác, anh chị khác thay thế các cặp vợ chồng này trong việc sửa soạn bàn thờ tổ tiên. Chị xắp xếp như vậy để chúng tôi không còn phải bận tâm điều gì nữa, chỉ cần để hết lòng vào việc làm bài tập này thôi.   Chị Chân Ý xin chúng tôi lựa bất cứ một nơi nào trong không gian rộng lớn của Claymont Court để ngồi xuống viết cho người thương của mình một lá thơ.  Chị xin chúng tôi hãy viết cho nhau một lá thơ bằng tiếng Việt và người vợ thì xưng mình là em, và người chồng thì xưng mình là anh trong thơ này.   Chị muốn chúng tôi viết về những cái đẹp của người thương mình, những điều người ấy đã làm cho mình vui trong khoảng thời gian chung sống với nhau, và đoạn cuối của lá thơ viết về lòng biết ơn bố mẹ của người mình thương.  Bài tập này đến thật bất ngờ, hoàn toàn không có trong tờ chương trình mà anh Chân Minh Tuệ đã gởi ra trước đó.   Chị nói chúng tôi có từ bây giờ cho đến bữa cơm tối để làm chuyện này, nhưng mà nếu  sau một tiếng mà ai không làm được thì cần gặp anh chị ngay.   Có vài vị chia sẻ là sẽ không được tự nhiên lắm trong vấn đề xưng hô với nhau như vậy vì họ qua bên Mỹ từ nhỏ, chưa bao giờ gọi nhau bằng anh và em, tuy là họ cũng thường nghe bố mẹ của mình gọi nhau là anh em.  Cũng có vị nói là sống ở Mỹ lâu năm nên họ hay thường dùng tiếng Mỹ để nói chuyện với nhau, vừa nhanh vừa tiện.  Tuy vậy chị Chân Ý vẫn không thay đổi ý định và vẫn cứ “xin” chúng tôi viết lá thơ này bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Chị nói mình cứ làm như thế đi rồi sẽ thấy cái hay của việc viết bằng tiếng Việt này.  Chị nhấn mạnh thêm là mọi người vẫn cần tiếp tục giữ yên lặng và nếu có thắc mắc nào thì chỉ cần đi gặp chị hoặc anh Chân Trí.  Chị không đề cập đến chuyện chúng tôi sẽ làm gì với những lá thơ này.  Khi chị rời thiền đường, chúng tôi nhìn nhau mỉm cười với ánh mắt phảng phất nét tinh nghịch của đám trẻ con đang chơi ngoài vườn thì bị gọi vào và được yêu cầu viết một bài luận về một đề tài mà mình chưa biết phải bắt đầu từ đâu.  Phản ứng đầu tiên là chúng tôi kiếm cớ để trốn không phải làm bài. Nhiều người cùng than một lúc là không có giấy để viết, nhưng chỉ vài giây sau đó là anh Phong lôi ra ngay một  tập giấy trắng trong cặp đựng sách nhạc của anh.  Thế là mọi người đều cười ồ lên, biết là hết còn đường để chạy, vui vẻ nhận mấy tờ giấy bạn đưa.  Tuy vậy chồng tôi cũng còn cố gắng vớt vát thêm một lần nữa. Với tờ giấy trên tay mà anh vẫn lắc lắc cái đầu, nhìn vào mắt tôi rồi nói nhỏ là “anh không có bút em à”.   Có lẽ hôm đó đúng là cơ duyên hội đủ để chúng tôi làm bài tập này nên khi ra đến phòng ăn thì lại mượn được anh Chân Minh Tuệ cây bút. Anh và tôi biết đã đến lúc mình cần ngồi xuống viết lá thơ này. 

Hai vợ chồng tôi đi bộ về phòng. Anh ấy muốn ngồi viết ở ngoài trời nhưng cần lấy chiếc áo khoác vì trời bắt đầu lạnh, hơi gió.  Tôi quyết định ở lại viết trong phòng.  Tôi lấy trong vali ra quyển tập nhỏ mà chồng vừa cho khi đón anh ấy ở phi trường ngày hôm trước.  Lúc đầu tôi không định mang theo, vì nhiều lần đi dự khóa tu Thuyền Từ, tôi đâu phải ghi chép xuống điều gì. Nhưng không hiểu sao lúc đó anh cứ nói tôi bỏ nó vào vali mang theo, biết đâu vào đến khóa tu lại cần.   Bây giờ tôi mới thấy món quà này hữu ích.  Tôi  leo lên giường, co chân lấy chiếc gối của chồng mình để lên đầu gối mình làm chiếc kệ cho cuốn sổ tay nhỏ và dùng chiếc gối của mình để dựa lưng vào tường.  Thế ngồi đã được ổn định, nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy ngượng ngùng kỳ kỳ làm sao đâu, mặc dù xưa nay tôi vốn thích viết lách nhưng đến lúc này thì chữ nghĩa lại không thấy tới.  Tôi cúi xuống hý hoáy vài chữ rồi ngừng, bỏ cây bút xuống, để cuốn sổ nhỏ qua một bên, duỗi chân, leo xuống giường, và loay hoay kiếm dép.  Lúc ngửng đầu lên, nhìn ra cửa, tôi biết rất rõ là mình đang bị kẹt!  Tôi có một số câu cần hỏi lại chị Chân Ý để biết rõ mình muốn viết cái gì.  Khi xuống tới bậc thang cuối cùng thì tôi gặp anh Chân Trí nên đặt luôn các câu hỏi này với anh.  Anh nói tôi không nhất thiết chỉ viết về những cái nét đẹp và đức tính tốt của chồng mình, mà tôi có thể viết về những chuyện rất nhỏ, nhưng phải là những chuyện có thật. Ví dụ như chuyện anh ấy cắt cỏ, nếu chuyện ấy làm tôi vui thì tôi cứ viết xuống.  Anh nói: “Viết như vậy sẽ làm anh Hưng vui và chị Thủy sẽ thấy mình có nhiều chuyện để viết lắm, có khi viết đến vài trang cũng chưa hết”.  Tôi cám ơn anh, quay đầu leo lại cầu thang trở về phòng. Tuy nhiên lần này người tôi nhẹ hẳn ra.  Tôi vui với tâm ý của một đứa học trò nhỏ vừa kiếm ra đáp số cho bài toán khó, vì nếu chỉ phải viết như vậy thôi thì tôi có nhiều ý để viết lắm.  Tôi bắt đầu có hứng để viết, tôi bắt đầu bài viết của mình đại khái như thế này:

“Anh thương,

Như vậy là đã được 26 năm từ hồi mình gặp và bắt đầu thương nhau.  Em nhớ hồi đó em rất thích gọi anh là anh và, kể cho anh những gì em nghĩ.  Vậy mà bây giờ nhiều lần em chỉ gọi anh là Hưng mặc dù anh nhiều lần đã nói anh thích được gọi là “anh Hưng”.  Em biết vậy, nhưng mà em vẫn lờ đi, không để ý đến.  Và cũng đã quá lâu để em không còn nhớ đến lúc nào trong cuộc sống vợ chồng thì những khổ đau trong người em đã nổi lên, cộng thêm những khó khăn, bận rộn của đời sống đã khiến em không còn muốn, và không kiếm được thì giờ để viết cho anh những lá thơ như thế này.  Và hôm nay, nhờ ở đây, trong khung cảnh như thế này thì em được dịp làm những điều khi xưa em thích. Em khám phá ra là bây giờ em vẫn còn thích được ngồi thong thả viết cho anh một lá thơ như thế này. Em cám ơn anh đã là đóa hoa, đã sống bên em nhiều năm, nhờ vậy ngày hôm nay em mới có hoa để tưới … ”

Tôi nhớ khi ngồi ôn và ghi lại những điều chồng mình đã làm cho mình vui và hạnh phúc thì người mình trở nên mềm, dịu.   Những hơi thở nhẹ và sâu đến một cách đều đặn, nhịp nhàng, tôi từ từ thong thả viết xuống. Quả thật là tôi có rất nhiều chuyện hay và vui để viết về người thương của mình, y như anh Chân Trí dự đoán.  Viết đến đâu, phiền muộn, hiểu lầm giữa hai đứa đều tan đến đó và niềm thương cứ lớn dần.  Đây là lần đầu tiên tôi hiểu được hết ý của chị Chân Ý những lần chị nói với tôi là có biết thương, có biết nuôi dưỡng lòng từ thì sẽ có hết, mình sẽ chế tác được chánh niệm và tuệ giác.  Vì vậy chị chỉ dạy tôi cách thương trong đạo Bụt. Tình thương này sẽ giúp mình được trụ vào cái yên và sự nhẹ nhàng của nó, và đồng thời mình không bị vướng mắc và không kẹt vào những hệ lụy thường tình. Mình không cần làm gì hết mà mình lại làm rất nhiều và mình tránh không rơi vào tình trạng làm và nói những việc có khả năng gieo rắc tổn thương đến người khác. Lúc ngồi viết lá thơ như vậy, tôi thương chồng mình thật nhiều. Tôi nhận ra nhiều điều anh đã làm, đã nói hoặc đã không làm, đã không nói, đều đến từ lòng thương và tinh thần trách nhiệm, biết lo lắng cho vợ con của anh.  Tôi mừng là tôi đã có một tăng thân như vậy; mừng vì hai đứa đã thu xếp được để đến đây; và mừng là tôi đủ khiêm tốn để chịu nghe chị Chân Ý khuyên tôi làm một chuyện rất dễ, rất cần thiết mà vài phút trước đó thì tôi vẫn còn cho là khó làm hoặc không cần thiết. Quá trình ngồi viết thơ này mang đến cho tôi một cái nhìn mới về mình.  Một ví dụ nhỏ là tôi chợt nhận ra là chồng tôi khi đi đâu xa về anh cũng mang về cho tôi một món quà nhỏ. Vậy mà những năm sau này tôi lại có ý giận hờn, thất vọng, trách anh không hiểu được mình, nên anh không lựa được món quà đúng ý thích của tôi.  Việc nhận ra điều này đánh thức lòng biết ơn của tôi.   Tôi biết ơn anh vẫn cứ tiếp tục kiên nhẫn cố gắng lựa cho tôi những món quà mà anh nghĩ tôi sẽ thích. Nhờ anh làm được như vậy nên hai vợ chồng tôi mới ở với nhau đến ngày hôm nay, để rồi hai đứa mới có dịp cùng tu tập nương tựa lẫn nhau và tăng thân.  Lòng thương và sự biết ơn này lan rộng đến được một chỗ giúp tôi nhận ra là cái tính hay làm của anh là do công ơn mẹ anh dạy, và anh hưởng và học được cái tính hiền lành không bao giờ la lối, nặng lời với vợ con của bố anh.  Mừng nhất có lẽ là cả hai đứa chúng tôi đã viết và nói lên được với nhau những điều này khi cả hai vẫn còn đang sống khỏe mạnh.

Viết xong lá thơ này xong và được nghe chồng mình đọc lá thơ của anh viết cho mình thì tôi biết tôi là người đàn bà hạnh phúc, một người đang được sống trong một cái nôi tình thương. Chuyện tôi khổ hay vui phụ thuộc vào việc tôi có nhớ ra được điều này hay không. Viết lá thơ này, ngay cả khi viết bài này cũng là một cách tốt để tự nhắc mình. Chồng tôi bây giờ không còn phải vất vả đi lung tung, tìm kiếm một cái gì to lớn bên ngoài để chứng tỏ lòng thương của anh với tôi nữa. Việc anh bằng lòng chịu ngồi xuống, nhìn lại để rồi anh nhớ lại những ngày hai đứa đã sống với nhau là tất cả những gì tôi muốn, tôi cần. Làm như vậy là anh đã nuôi dưỡng hạt giống tu học trong tôi rồi. Tôi rất biết ơn sự có mặt của các bạn khác trong tăng thân, nhất là việc 12 anh chị khác đã cùng tham gia vào làm chung bài tập này với chúng tôi.  Buổi tối thứ Bảy đó được nghe các anh chị đọc lá thơ này cho nhau, tôi rất cảm động và thấy mình quả thật là may mắn.  Mỗi lá thơ là một bài pháp thoại về từ bi, khả năng tha thứ và tấm lòng bao dung, rộng lượng. Không phải chỉ có một mình tôi mới phải, mới cần, mới thích và có khả năng viết ra và nói lên những lời như vậy.  Tôi thấy các anh chị khác cũng giống như vợ chồng tôi lúc đó.  Chúng tôi phải có niềm tin nơi tuệ giác của tăng thân, nhất là niềm tin về khả năng lắng nghe của tăng thân thì mình mới chịu đọc lớn những lời tâm sự kín đáo nhất trong lòng cho người mình thương trong cái vòng tròn nhỏ này mà không lo ngại, e dè là mọi người sẽ hiểu lầm, có thành kiến, hoặc dị nghị về mình.  Ngày Chủ nhật sau khi làm lễ Giỗ Tổ Tiên xong, vợ chồng tôi và những sáu cặp này đã lạy xuống, tự nguyện hứa với nhau trước bàn thờ tổ tiên tâm linh và huyết thống là từ giờ trở đi sẽ cùng chung sống, quay về nương tựa Tam Bảo, và thực tập chia sẻ với nhau như vậy.   Lúc để đầu chạm đất trong giây phút linh thiêng đó, tôi sực nhớ là cũng hôm Chủ nhật 23 năm về trước, chúng tôi đã làm lễ cưới với nhau. Tôi thấy lòng mình thật nhẹ vì từ giờ trở đi, vợ chồng tôi không còn phải cưu mang nhiều chuyện một mình nữa.  

Sáng nay tôi theo chồng đi học đàn, trong lúc đợi anh học, tôi ngồi uống trà với anh Chân Trí. Một lúc sau thì chồng tôi và chị Chân Ý cùng lên ngồi uống trà chung. Câu chuyện xoay quanh về một số vấn đề mới xảy ra trên thị trường chứng khoán, cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ 2008, trong tăng thân và gia đình của chúng tôi. Khi trà bắt đầu ngấm thì tất cả những câu chuyện đó quy tụ về một đề tài khá cũ nhưng vẫn mới tinh khi được mang ra. Anh chị chỉ cho hai đứa chúng tôi làm cách nào để áp dụng hơi thở, gói ghém cho khéo tâm ý, chánh niệm và tình thương trong từng bước đi và công việc làm hàng ngày. Những lời chia sẻ này tôi đã từng nghe qua, nhưng lần này lời khuyên của anh chị có thấm sâu hơn một chút vào trong tâm thức tôi. Chị Chân Ý nói: “Giống như khi Anh Hương nói về cái đẹp của nắng và gió, nhưng mà Thủy và Hưng phải là người bằng lòng, chịu mở cửa, chịu cất bước ra ngoài để đón nhận sự dễ chịu, để nét dịu dàng của nắng với gió thấm vào từng tế bào trong thân thể mình thì Thủy và Hưng mới hưởng hết được cái hay của món quà đó. Anh Hương cũng chỉ làm được đến chừng đó mà thôi.” Tôi mỉm cười tự nghĩ: “Chị làm như vậy là đã cho em hết những gì chị có và những gì em cần rồi. Em cũng không nên đòi hỏi hay mong mỏi điều gì nữa ở tăng thân.

Dạo sau này tôi hay ca nho nhỏ bài hát “Happiness is Here and Now”. Trong tiếng Anh, bài này có mấy chữ “no where to go” (“không còn chỗ nào để đi nữa”). Mới đầu nghe có vẻ yếm thế nhưng nghĩ cho sâu thì tôi thấy đó là phước phần của tôi. Tự biết mình sanh ra thân tâm yếu đuối, nên tôi đã “thọ ký” thân mạng mình cho Tam Bảo. Tôi đã cho phép anh chị giáo thọ cái quyền là khi nào mà thân tâm tôi nổi lên cái ý muốn “một mình một ngựa”, lao vào đời sống của một người cùng tử thì anh chị phải làm mọi cách để giữ tôi lại, ngay cả việc anh chị phải cắt dây để tôi không còn có ngựa mà đi. Anh chị cần làm chuyện này vì một lý do rất đơn giản. Anh chị và chồng tôi đều biết tôi sẽ chết rất nhanh trong đời sống của một người cùng tử và quan trọng hơn nữa là tôi đã tự thấy điều này. Tôi thấy rất rõ là mình không còn muốn tiếp tục sống lây lất cuộc đời của một người cùng tử như mình đã từng sống. Tôi muốn được tăng thân bảo bọc và dùng ánh sáng của Năm Giới soi đường cho cuộc đời còn lại của mình trong kiếp này. Đã đi nhiều nơi và bây giờ đến một chỗ mà điều kiện để nuôi dưỡng và tạo dựng hạnh phúc đều có đủ thì quả thật “không còn chỗ nào để đi nữa”. Vì vậy mà việc “Không đi đâu nữa” là chuyện tự nhiên đang xảy đến với hai vợ chồng tôi. Tôi mỉm cười thoải mái khi nghe tiếng mình vang lại vài câu bằng tiếng Việt “Không đi đâu nữa, lòng thanh thản, sống không vội vàng.”

Tâm Khai Ngộ
Tháng 9 năm 2008


Trang Nhà Lịch Trình Tu Học Lá Thư Tu Học Kinh Nhạc Thiền

Hình ảnh sinh hoạt Đóng góp Trang bạn Các nhà xuất bản



Mọi ý kiến và đóng góp xin điện thư về webmaster@crpcv.org
Trình bày và thực hiện bởi tăng thân Thuyền Từ vùng Washington DC